Tại diễn đàn, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng đã khẳng định ý nghĩa to lớn của việc triển khai lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhằm thu nhận được nhiều ý kiến hay, tâm huyết, xác đáng để Dự thảo Luật sớm được thông qua, góp phần tháo gỡ những khó khăn, tạo điều kiện cho Quảng Trị nói riêng và cho cả nước nói chung tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Có thể nói, qua gần 10 năm thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội; bên cạnh đó, quá trình tổ chức thi hành Luật vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà Luật Đất đại 2013 chưa có quy định để điều chỉnh, cần thiết phải được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện. Mặt khác, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách được quy định trong rất nhiều luật khác, trong đó người dân là chủ thể chịu sự tác động nhiều nhất, do đó việc lấy ý kiến toàn dân đối với Dự thảo Luật này vừa thể hiện sự tôn trọng quyền chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, vừa huy động được trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng cũng đã nhấn mạnh: “việc lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm, nhằm hướng đến đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân về đất đai mà Luật đất đai là cơ sở pháp lý để thực hiện quyền cơ bản ấy”. Để người dân phát huy quyền làm chủ của mình trong việc tham gia góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) một cách hiệu quả và thiết thực, người dân cần chú ý những vấn đề trọng tâm, cốt lõi, những nội dung mới, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình.
Trao đổi tại Diễn đàn về việc triển khai lấy ý kiến Nhân dân góp ý vào Dự thảo Luật; ông Nguyễn Quốc Hoàng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Sở Tài nguyền và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 17/KH-UBND về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hiện Kế hoạch đang được triển khai thực hiện đảm bảo đúng nội dung và tiến độ đề ra.
Liên quan đến lĩnh vực đơn vị quản lý, theo dõi, ông Nguyễn Quốc Hoàng đã trao đổi một số nội dung mà người dân quan tâm, góp ý và những nội dung cần quan tâm, nghiên cứu, góp ý trong 9 nhóm vấn đề trọng tâm liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phát triển quỹ đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; chế độ quản lý, sử dụng các loại đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất.
Để triển khai các văn bản của Truong ương và của tỉnh về việc tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, phát huy quyền làm chủ và huy động trí tuệ, tâm huyết, tập hợp ý kiến của Nhân dân trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật; Ông Dương Tân Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh cho biết đơn vị đã xây dựng và ban hành Kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần thứ nhất, tổ chức Hội nghị trtực tuyến phản biện với sự tham gia của các đại biểu đến từ các ban, ngành, địa phương liên quan, thu được nhiều ý kiến góp ý. Với tinh thần mọi chủ trương, chính sách phải xuất phát từ lợi ích chính đáng của người dân, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 129/KH-MTTQ-BTT về việc Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Qua tổ chức triển khai của MTTQ và các tổ chức thành viên thì mọi người dân trong tỉnh đã rất phần khởi, tập trung tâm huyết, trí tuệ để đóng góp ý kiến vào Dự thảo, mong muốn dự thảo Luật Đất đai sớm hoàn thiện, bạn hành. Theo ông, để ý kiến người dân được tiếp thu, nghiên cứu một cách xác đáng thì MTTQ, cơ quan dân cử, các ban ngành, địa phương cần quan tâm phối hợp, trao đổi thường xuyên đối với việc tiếp thu, tổng hợp ý kiến đóng góp Nhân dân trên tinh thần phát huy tích cực, tối đa nguồn lực, sức mạnh trí tuệ của các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó cần có nhiều hình thức lấy ý kiến, nâng cao hiệu quả ứng dụng các nên tảng công nghệ số để người dân thuận lợi trong góp ý.
Kết thúc phần trao đổi tại Diễn đàn đối thoại với cử tri, một lần nữa Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng nhắn gửi tới người dân: “Pháp luật do Nhà nước ban hành phải xuất phát từ thực tế cuộc sống và trở về điều chỉnh các quan hệ xã hội mà nơi đó Nhân dân là chủ thế, là trung tâm trong các quan hệ xã hội. Do đó, ý kiến, ý nguyện của nhân dân là cơ sở, là nguồn nguyên liệu đầu vào hết sức quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và Luật Đất đai nói riêng”. Hiện tại, Đoàn ĐBQH tỉnh đang triển khai lấy ý kiến các đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân đóng góp vào Dự thảo Luật thông qua nhiều hình thức như: tiếp nhận ý kiến bằng văn bản gửi trực tiếp về Đoàn hoặc qua trang Thông tin điện tử, hộp thư điện tử của Đoàn ĐBQH tỉnh; vào đầu tháng 3/2023, Đoàn ĐBQH phối hợp với HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị, hội thảo lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật.
Với trách nhiệm của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu, chọn lọc tối đa những ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm và xác đáng của cử tri và nhân dân trong tỉnh, cùng với nhân dân cả nước góp phần hoàn thiện Dự thảo để Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được ban hành đáp ứng yêu cầu thực tiễn và kỳ vọng của nhân dân./.