Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận tổ về dự thảo Nghị quyết quy hoạch tổng thể Quốc gia và các vấn đề quan trọng

Thứ sáu - 06/01/2023 20:28 416 0
Ngày 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Hai, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ đại biểu về dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; Việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược. Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận tại tổ 15 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình và Khánh Hòa.
Tổ trưởng Tổ thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên thảo luận
Tổ trưởng Tổ thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên thảo luận
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến liên quan về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đa số các đại biểu băn khoăn về tính chi tiết và khái quát của quy hoạch tổng thể Quốc gia trong mối quan hệ với chiến lược phát triển kinh tế xã hội. Dự thảo Nghị quyết cũng chưa nêu rõ các định hướng, mục tiêu phát triển; nguồn lực và giải pháp thực hiện quy hoạch chưa đầy đủ, cụ thể…  
z4017375023809 5b12e5591006459bfd461b06e59bc29e
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị Lê Quang Tùng phát biểu tham gia ý kiến thảo luận
về Quy hoạch tổng thể Quốc gia
Phát biểu tại phiên thảo luận, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Quang Tùng đề nghị trong quy hoạch tổng thể Quốc gia cần nghiên cứu, lựa chọn các giải pháp phát triển đối với các lĩnh vực, các ngành có thế mạnh và lợi thế cạnh tranh để quy hoạch vùng, quy hoạch ngành phù hợp, từ đó xây dựng, đề xuất các giải pháp thu hút các nguồn lực để phát triển hiệu quả hơn, có tính khả thi cao hơn;
Cần cụ thể hơn các Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan đến các định hướng ưu tiên phát triển để triển khai thực hiện trong thời gian tới vào quy hoạch tổng thể quốc gia nhằm xây dựng những giải pháp cụ thể hơn, đảm bảo đúng mục tiêu và nhiệm vụ đề ra;
Hiện nay, quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch địa phương, quy hoạch ngành, lĩnh vực đang được thực hiện song song, vì vậy khi hoàn thiện đồng bộ tất cả các quy hoạch sẽ khó tránh được tình trạng không khớp nhau, vì vậy, đối với các quy hoạch đã phê duyệt cần sớm cập nhật, điều chỉnh theo quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch địa phương ngay khi được phê duyệt để góp phần đảm bảo tính thống nhất, tăng tính hiệu quả của các quy hoạch…
z4017375077078 52320b3a50b63586757b52342e5810da
Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng phát biểu tại phiên thảo luận Tổ
Tham gia góp ý vào dự thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, ĐBQH tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét một số vấn đề trước khi thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cụ thể: Về kịch bản phát triển KTXH đến năm 2030, dự thảo chưa có đánh giá tác động tiêu cực của gia đoạn đại dịch COVID-19 đến kinh tế xã hội nên mục tiêu đưa ra cho cả giai đoạn 2021-2030 khá cao, không đảm bảo tính khả thi, chưa làm rõ quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ đóng vai trò cụ thể như thế nào để tạo ra được những đột phá, những động lực hay những trụ cột chính góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra;
Về tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây (EWEC), cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quy hoạch phát triển theo Hành lang kinh tế này, đây chính là hành lang kết nối khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với các nước Lào, Thái Lan, Myanmar, là tuyến đường ngắn nhất nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương và trong tương lai sẽ kết nối chặt chẽ hơn nữa với khu vực Vân Nam, Trung Quốc, đó là một mắt xích chính yếu trong việc đón đầu xu hướng tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu sau đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, dự thảo cần tiếp thu đầy đủ và bổ sung vào hồ sơ một số ý kiến đóng góp của giới chuyên gia nêu ra trong quá trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức lấy ý kiến…
z4017375096753 4edce73f436cda5dc0b4fb7486cb8e7d
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, tiếp thu
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ĐBQH tỉnh Quảng Trị Nguyễn Chí Dũng nhận định Luật Quy hoạch năm 2017 là một bước cải cách lớn về thể chế, làm thay đổi căn bản về tư duy, cách tiếp cận, nội dung, phương pháp xây dựng và thực hiện quy hoạch;
Luật Quy hoạch đã khắc phục sự phân tán, dàn trải trong quy hoạch trước đây, thiết lập hệ thống quy hoạch quốc gia gồm 111 quy hoạch từ cấp tỉnh đến cấp quốc gia thay thế cho 3.654 quy hoạch cùng cấp kỳ trước, tương ưng với việc cắt giảm 97% số lượng các loại quy hoạch.

Trong hệ thống quy hoạch quốc gia này, quy hoạch tổng thể quốc gia có vai trò vị trí trung tâm, vai trò nền tảng, là cơ sở để lập các quy hoạch khác. Quy hoạch tổng thể Quốc gia là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế xã hội thời kỳ 2021-2030, đặc biệt sẽ xác định cụ thể hơn về mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia, về chủ trương định hướng về phân vùng và liên kết vùng, về hình thành các vùng động lực quốc gia, cực tăng trưởng quốc gia, hành lang kinh tế ưu tiên; xác định kết cấu hạ tầng khung của đất nước, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, bảo vệ môi trường và khai thác hiệu quả tài nguyên để thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển nhanh và bền vững….
Đối với các ý kiến của đại biểu tại buổi thảo luận tổ, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, rà soát, bảo đảm xây dựng hoàn thiện một quy hoạch tốt nhất, mang tầm nhìn dài hạn và tổng quát.
z4017375148334 a8be4dde8c914fc5c7500387707d180b
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Hoàng Đức Thắng phát biểu thảo luận về việc thực hiện
Nghị quyết số 30/2021/QH15
Tham gia phát biểu thảo luận về nội dung đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; Việc tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng cho rằng việc thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhiều chính sách đưa ra chưa được thực hiện đầy đủ, chưa phù hợp với thực tiễn, do đó việc tiếp tục gia hạn thực hiện là cần thiết, tuy nhiên cần giao cho Chính phủ rà soát, đánh giá cụ thể những hạn chế, khó khăn để có những hướng dẫn cụ thể, phù hợp, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, vướng mắc của các lực lượng, địa phương tham gia phòng chống dịch;
Ngoài ra, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu lại cách sử dụng câu từ phù hợp để có những đánh giá chính xác, đầy đủ hơn về việc thực hiện các quy định của Nghị quyết số 30/2021/QH15./.

Tác giả: Lê Dương

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây