Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tham gia thảo luận tại Tổ 12 gồm ĐBQH của các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình và TP. Cần Thơ. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên điều hành phiên thảo luận tại tổ.
Tại phiên thảo luận, ĐBQH Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tham gia phát biểu một số ý kiến về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật hết sức đồ sộ, phức tạp, song hồ sơ hoàn thiện gửi đến đại biểu còn chậm, quá trình lấy ý kiến Nhân dân chưa công khai báo cáo tổng kết thi hành luật đất đai hiện hành và báo cáo đánh giá tác động chính sách, đây là tài liệu quan trọng để người dân hiểu sâu, hiểu kỹ về những chính sách được sửa đổi, bổ sung, từ đó có những góp ý sát thực.
Trong 12.107.457 lượt ý kiến góp ý thì báo cáo có nói liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có 1.227.238 lượt ý kiến; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với 1.064.464 lượt ý kiến; tài chính đất đai, giá đất với 1.035.394 lượt ý kiến; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với 1.008.494 lượt ý kiến … thế nhưng một số thông tin quan trọng như trên 1,2 triệu ý kiến Nhân dân góp ý về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì bao nhiêu ý kiến đồng tình với quy định của dự thảo chưa được thống kê rõ. Tương tự, các nội dung khác cũng chưa được thống kê đầy đủ để thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân thông qua việc góp ý vào dự thảo luật.
Đại biểu đồng tình với nhiều nội dung tại báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, trong đó có việc mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, trong đó có đất lúa. Nếu mở rộng hạn mức, đối tượng nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp có thể dẫn đến một bộ phận nông dân sẽ không có đất sản xuất, làm ảnh hưởng đến đời sống, việc làm và có nguy cơ mất ổn định chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là những lúc thiên tai, dịch bệnh.
Đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Về điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, theo đại biểu, việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất phải tuân thủ theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định. Quy định này đã được thể hiện tương đối cụ thể tại dự thảo, thể hiện sự phân cấp mạnh mẽ cho địa phương, sự phân cấp này là cần thiết, khá nhiều lần được đề cập tại diễn đàn Quốc hội mỗi khi bàn đến cơ chế đặc thù hoặc một số dự án cụ thể.
Về vấn đề phân cấp, phân quyền, đại biểu đồng ý với quan điểm phân cấp theo quy mô diện tích chuyển mục đích sử dụng, những dự án yêu cầu lớn về đất đai vẫn cần sự chấp thuận của Chính phủ. Đối với các dự án có quy mô sử dụng đất nhỏ hơn, phân cấp cho địa phương như quy định tại Điều 122 của dự thảo luật, đồng thời cũng cần bổ sung quy định để hạn chế việc chia nhỏ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên để tránh việc “lách luật”, giữ lại thẩm quyền ở địa phương.
Bên cạnh đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng nêu một số quan điểm, góp ý vào dự thảo nhằm quy định chặt chẽ và hợp lý hơn về vấn đề phân loại nhóm đất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất hay vấn đề về thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Đối với vấn đề tập trung, tích tụ đất nông nghiệp, đại biểu cho rằng tích tụ và tập trung đất trong nông nghiệp đã và đang phát sinh và là nhu cầu ngày càng phổ biến trên cả nước xuất phát từ nhu cầu sản xuất hàng hóa lớn hơn với tiêu chuẩn khắt khe của thị trường và ứng dụng công nghệ mới cả về sinh học và công nghệ số trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời góp phần giảm thiểu tình trạng sản xuất manh mún và tăng cường thu hút đầu tư và quản trị tiến bộ vào nông nghiệp, nông thôn, kích thích sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, do đó việc bổ sung Điều “185. Tập trung đất nông nghiệp” và Điều “186. Tích tụ đất nông nghiệp” vào dự thảo là cần thiết và phù hợp.
Ngoài ra, đại biểu cũng nêu ý kiến tại Luật Đất đai 2013 có quy định riêng về đất khu công nghiệp, khu kinh tế, lần này chỉ quy định chung các loại đất này vào đất công nghiệp là không hợp lý, cần có đánh giá kỹ lưỡng và nên thiết kế riêng 1 điều về đất khu công nghiệp, khu kinh tế. Dự thảo vẫn còn tồn tại một số lỗi về mặt kỹ thuật lập pháp, một số điều luật còn bị trùng lắp về nội dung, ban soạn thảo cần rà soát để hoàn thiện.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, ĐBQH TP. Cần Thơ cho rằng cần phải tiến hành rà soát, hoàn thiện để làm sao khi luật ban hành đáp ứng mong mỏi của Nhân dân vì đây là bộ luật có phạm vi điều chỉnh rộng và tác động đến nhiều lĩnh vực trong đời sống Nhân dân. Mong rằng luật này khi được thông qua sẽ giải quyết được những vướng mắc về đất đai.
Thủ tướng đồng ý cao với các ý kiến tham gia và đề nghị rà soát lại việc phân cấp, phân quyền giải quyết các vấn đề về đất đai. Phân cấp, phân quyền cần đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng thực thi của cơ quan được phân cấp. Đồng thời phải thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát, tăng cường kiểm tra, giám sát; cần nghiên cứu, quy định phân cấp ở mức độ như thế nào để phù hợp với trình độ quản lý của mỗi cấp.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho rằng việc cải cách hành chính, giảm các thủ tục hành chính liên quan đến giải quyết vấn đề về đất đai cũng hết sức quan trọng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết các thủ tục về đất đai.
Kết luận tại phiên thảo luận tổ, đại biểu Nguyễn Đại Thắng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đánh giá cao ý kiến tham gia của các ĐBQH, đồng thời giao tổ thư ký tổng hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến phát biểu của đại biểu lên Quốc hội theo quy định.
Tác giả: Cẩm Nhung
Ý kiến bạn đọc