Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tham gia ý kiến về dự thảo thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh của Quốc hội

Thứ năm - 08/06/2023 21:13 460 0
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, chiều nay 8/6, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ điều hành phiên Thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Tại buổi thảo luận, đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia một số ý kiến đối với dự thảo.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia một số ý kiến đối với dự thảo
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Ủy viên Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị tham gia một số ý kiến đối với dự thảo

Về một số vấn đề chung, đại biểu Hà Sỹ Đồng đã đưa ra một số nhận xét và góp ý như sau:

Dự thảo đã đề cập đến nội dung tương đối cấp bách để phát triển TP. Hồ Chí Minh theo tinh thần Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và của Quốc hội.

Qua nghiên cứu toàn bộ tờ trình, dự thảo Nghị quyết cho thấy một số nội dung của dự thảo chỉ là đề xuất tiếp tục kéo dài các nội dung ̣đã và chưa thực hiện được của Nghị quyết số 54/2017/QH14.

Về tên gọi của Nghị quyết, đại biểu đề nghị sửa đổi lại thành: “Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đột phá phát triển TP. Hồ Chí Minh”.

Về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Nghị quyết chưa bao quát hết các lĩnh vực phát triển trong giai đoạn phát triển hiện nay và trong tương lai, đặc biệt là vai trò của thành phố trong tương lai và hướng tới phát triển “vượt trội”, là hạt nhân tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 31-NQ/TW, Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, đây là dự án hết sức quan trọng, không chỉ cho TP. Hồ Chí Minh mà còn cho cả nước, nó có tác động đến cơ cấu kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống nhân dân thành phố cũng như trong khu vực. Do đó, việc đánh giá tác động từng quy phạm trong các lĩnh vực là hết sức cần thiết, làm cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định trong khi đó dự thảo Nghị quyết và tờ trình chưa thể hiện được nội dung này.

Một số nội dung trong nghị quyết còn trùng lặp và nhắc lại các nội dung của các dự thảo luật (dự thảo Luật Đất đai, Luật nhà ở, Luật thuế,..) sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp này hoặc kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023.

Đại biểu cũng đã chỉ ra rằng ý kiến nhân dân tại TP. Hồ Chí Minh, khu vực lân cận, đặc biệt là ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học và nhân dân chưa thể hiện trong tờ trình. Vì Nghị quyết ban hành sẽ có tác động lớn nên cần có ý kiến nhân dân về vấn đề này.

Thời gian thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 trước đây quy định là 5 năm, nhưng với thời gian như vậy, các nội dung đều chưa đạt được. Dự thảo lần này thực chất là thực hiện tiếp Nghị quyết số 54/2017/QH14 và có thêm một số chính sách, cơ chế đối với một số lĩnh vực khác. Vậy câu hỏi đặt ra là: tiếp tục thực hiện trong 5 năm tới liệu có khả thi?

Theo Đại biểu là phải thực hiện trong thời gian từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045. Đồng thời, cần phải đảm bảo tuân thủ các quy trình, thủ tục theo Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với nội dung cụ thể của dự thảo, đại biểu Hà Sỹ Đồng đưa ra một số phân tích và góp ý như sau:

Về phạm vi điều chỉnh: Do đặc thù của thành phố là nổi trội về các lĩnh vực phát triển, tính nổi trội của thành phố và yêu cầu phát triển nền kinh tế tại thị trường theo hướng mở; hơn nữa, đây là Nghị quyết nhằm thúc đẩy, làm cho TP. Hồ Chí Minh đi đầu trong các lĩnh vực, làm hình mẫu cho việc phát triển các lĩnh vực của cả nước và khu vực nên cân nhắc mở rộng thêm một số lĩnh vực khác như vấn đề quy hoạch thành phố. Đây là cơ chế nhằm tạo không gian xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, tránh chắp vá thực hiện theo lối cũ.

Về vấn đề phân cấp, ủy quyền; cần có sự phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ hơn nữa giữa Chính phủ với thành phố; giữa TP. Hồ Chí Minh với các thành phố, quận, huyện trực thuộc, không chỉ trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, công chức, viên chức mà còn trong các lĩnh vực khác như thẩm quyền quy hoạch, xây dựng, đất đai, khoa học công nghệ, văn hóa xã hội và quản lý dân cư trên địa bàn,...

Đặc biệt đối với nội dung xây dựng mô hình chính quyền đô thị của thành phố, các quận huyện và TP. Thủ Đức, Cần Giờ… Nên chăng đưa các nội dung trên vào dự thảo hay đề xuất nó vào một văn bản quy phạm pháp luật khác.

Về thu hút FDI tại thành phố, theo đại biểu cần đưa vấn đề này vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vì thành phố hiện nay đảm nhiệm vai trò là đầu tàu kinh tế và trong tương lai sẽ xây dựng Trung tâm Tài chính khu vực. Do đó, việc cho phép TP. Hồ Chí Minh có cơ chế riêng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế là việc làm hết sức cần thiết.

Về khoa học công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo: cần dành cho TP. Hồ Chí Minh một quy chế đặc biệt để phục vụ khoa học công nghệ cao, chuyển đổi số và các vấn đề liên quan đến phát triển công nghệ cao hàng đầu cả nước.

Về thu hút, lựa chọn, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cũng cần làm kỹ hơn và có cơ chế thông thoáng theo tư duy công nghiệp hiện đại để có thể thu hút, trọng dụng nhân tài và tập trung các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu khu vực. Nếu nghị quyết được Quốc hội ban hành thì cần giao cho Chính phủ ban hành các chính sách và chỉ đạo triệt để thực hiện vấn đề này.

Về lĩnh vực giao thông: vấn đề cơ chế, chính sách thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng nằm trên ranh giới, địa giới hành chính giữa TP. Hồ Chí Minh và địa phương khác, các dự án quốc lộ, cao tốc đi qua thành phố; hỗ trợ các địa phương khác trong nước,… cũng cần được làm rõ và có cơ chế hữu hiệu hơn.

Về quản lý môi trường, quy định như dự thảo là chưa toàn diện vì TP. Hồ Chí Minh là trung tâm công nghiệp, nếu chỉ dừng lại ở biện pháp giảm phát thải khí nhà kính thì chưa đủ mà cần có cơ chế bảo vệ môi trường toàn diện hơn, có thể vượt ra ranh giới Luật Bảo vệ môi trường hiện nay, cả về bảo vệ môi trường, khí hậu, xu hướng phát thải liên quan đến dân sinh và các khu công nghiệp, các thành phố, quận huyện trực thuộc, đây cũng là tồn tại không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà còn tác động mang tính cả nước và quốc tế.

Tác giả: Cẩm Nhung

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây